Bí quyết tạo bonsai thế bạt phong đầy sức sống

cách tạo bonsai thế bạt phong đẹp nhất

Thế bạt phong là một trong những dáng cây độc đáo được nhiều người chơi cây cảnh yêu thích. Bonsai bạt phong được xem là những kiệt tác của thiên nhiên, khiến người thưởng thức cảm nhận được sức sống mãnh liệt và tinh thần vượt qua mọi khó khăn thử thách. Vậy thế cây này có gì đặc biệt? Làm thế nào để tạo hình bonsai thế bạt phong đẹp và ý nghĩa? Hãy cùng chúng tôi khám phá những bí ẩn ẩn chứa trong thế bonsai độc đáo này!

Nguồn gốc và cảm hứng của bonsai dáng bạt phong

Thế bạt phong hay còn được biết đến là bonsai gió lùa được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc, sau đó du nhập vào Nhật Bản với tên gọi Fukinagashi. Các nghệ nhân bonsai Nhật Bản đã sáng tạo và phát triển nhiều kỹ thuật tạo hình bạt phong độc đáo, góp phần đưa phong cách này lên tầm cao mới. Bonsai dáng bạt phong là một trong những phong cách bonsai được yêu thích nhất trên thế giới bởi vẻ đẹp độc đáo, ý nghĩa sâu sắc và sự thách thức trong việc tạo hình.

Bonsai dáng bạt phong bắt nguồn từ việc quan sát cây cối trong môi trường sống tự nhiên. Ở những khu vực thường xuyên có gió mạnh tác động liên tục lên cây, khiến cành và tán lá bị uốn cong theo một hướng nhất định. Theo thời gian, hình dạng độc đáo của những cây này đã trở thành nguồn cảm hứng cho các nghệ nhân bonsai tạo nên thế gió lùa.

thế gió lùa được bắt nguồn từ trung quốc
Bonsai gió lùa được cho là bắt nguồn từ Trung Quốc

Ý nghĩa của bonsai gió lùa

Không chỉ có hình dáng độc đáo và đẹp mắt, bonsai gió lùa còn mang những ý nghĩa tốt lành cho gia chủ.

Ý nghĩa về mặt thẩm mỹ:

  • Vẻ đẹp độc đáo: Bonsai gió lùa thu hút bởi hình dáng độc đáo, khác biệt so với các phong cách bonsai khác. Cây bonsai mọc nghiêng, cành lá uốn cong theo hướng gió tạo nên sự ấn tượng và thu hút ánh nhìn.
  • Sự hài hòa: Bonsai gió lùa tạo sự cân bằng giữa hình dáng cây và hướng gió, thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên và sự uyển chuyển trong cách ứng xử của con người.
  • Giá trị nghệ thuật: Bonsai gió lùa là một tác phẩm nghệ thuật bonsai đòi hỏi kỹ thuật cao và sự sáng tạo của người nghệ nhân. Việc tạo hình bonsai gió lùa đẹp và ý nghĩa thể hiện trình độ và gu thẩm mỹ của người chơi bonsai.

Ý nghĩa về mặt phong thủy:

  • May mắn: Bonsai gió lùa được tin rằng mang lại may mắn, tài lộc và sức khỏe cho gia chủ.
  • Thành công: Hình ảnh cây bonsai gió lùa vượt qua những cơn gió dữ dội tượng trưng cho sự thành công trong cuộc sống, đạt được mục tiêu dù gặp nhiều trở ngại.
  • Hòa hợp: Bonsai gió lùa tượng trưng cho sự hòa hợp với thiên nhiên và sự uyển chuyển trong cách ứng xử của con người.
ý nghĩa của cây bonsai thế bạt phong
Cây bonsai thế bạt phong mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp cho gia chủ

Kỹ thuật tạo bonsai thế bạt phong cơ bản

Để tạo dáng bonsai gió lùa cần lựa chọn cây có hình dáng đẹp, khỏe mạnh, được uốn tỉa và chăm sóc đúng cách. Cùng theo dõi quá trình tạo bonsai dáng bạt phong chi tiết qua ba bước dưới đây:

Bước 1: Chuẩn bị

Chọn cây: Tất cả các dạng thân cây đều có thể tạo thành phong cách gió lùa, kể cả cây có thân trực thẳng. Nguyên tắc chung là các chi cành phải uốn về một phía, dù nằm ở phía nào của cây (trước hay sau chiều gió). Việc uốn cành lên hoặc xuống đều được nhưng cần đảm bảo vẫn tôn lên được vẻ đẹp của thân và cành như bình thường.

Tuy nhiên, để có một cây gió lùa đẹp, khi chọn phôi chúng ta nên chọn những cây có thân hơi nghiêng hoặc nghiêng nhiều. Tránh chọn cây nghiêng quá gần như song song với mặt đất, vì sẽ mất thẩm mỹ và không thể hiện được sức chống chọi của cây trước phong ba. Ngoài ra, bộ đế phải vững chắc để cây trông mạnh mẽ và kiên cường hơn.

Chuẩn bị dụng cụ:

  • Chậu: Chọn chậu có kích thước phù hợp với kích thước cây, đảm bảo đủ chỗ cho bộ rễ phát triển. Nên chọn chậu có hình dạng phù hợp với thế bạt phong mà bạn muốn tạo.
  • Dụng cụ bonsai: Dao cắt cành, kéo cắt tỉa, kìm bấm, dây quấn (đồng, nhuôm), găng tay, keo bôi sẹo,…

Bước 2: Tiến hành tạo dáng bạt phong

Đầu tiên bạn cần cắt tỉa những cành lá không cần thiết trong quá trình định hình cây. Tiếp theo bạn cần sử dụng các loại dây quấn phù hợp với kích cỡ và tuổi của cây để tiến hành uốn nắn và định hình cây.

  • Uốn thân: Uốn thân cây theo hướng nghiêng một góc nhất định, thường là từ 30 đến 45 độ so với mặt phẳng. Sử dụng kẽm uốn để cố định thân cây theo hình dạng mong muốn.
uốn thân tạo dáng thế bạt phong
Uốn thân tạo dáng thế bạt phong như mong muốn
  • Uốn cành: Uốn các cành theo hướng tỏa ra từ thân cây, tạo cảm giác như đang bị gió thổi về một phía. Cành lớn nên uốn trước, cành nhỏ uốn sau. Nên uốn cành theo hướng cong tự nhiên, tránh uốn quá gượng ép. Các cành phía trước và phía sau có thể uốn lên hoặc xuống, nhưng phải tạo sự cân đối và tự nhiên. Dùng dây kẽm để uốn và cố định các cành theo dáng mong muốn. Dưới đây là hình ảnh uốn cành cây hoa giấy minh họa chi tiết uốn cành bạt phong.
uốn cành nghiêng một phía tạo thế bạt phong
Uốn cành nghiêng về một phía như đang bị gió thổi

Bonsai dáng bạt phong được các nghệ nhân sáng tạo ra nhiều kiểu gió thổi riêng biệt và cách tạo dáng cũng khác nhau. Dưới đây là các kiểu bonsai gió lùa và cách uốn cành từng kiểu:

1. Cây gặp bão

  • Cây gặp bão nhỏ: Các cành không cần phải uốn cong quá gắt, các đoạn uốn đầu không cần cong chặt về một phía mà có thể uốn nhẹ nhàng hơn. Một số cành cũng không cần uốn sát gốc mà có thể uốn từ khoảng cách xa hơn. Thế cây này yêu cầu chiều cao của cây phải lớn hơn chiều ngang.
  • Cây gặp bão lớn: Các cành uốn cong gắt về một phía và các đoạn uốn đầu phải nằm sát gốc cành.
cây gió lùa gặp bão lớn
Tạo hình bonsai gió lùa theo kiểu cây gặp bão lớn

2. Bonsai bạt phong thể hiện kiểu cây bị gió lùa nhiều năm

Kiểu này có thân cây cứng cáp, các cành không còn bị ảnh hưởng bởi gió bão nữa, nhưng do bị thổi liên tục nên cây và cành nhánh vẫn mọc nghiêng hẳn sang một bên. Kiểu này được áp dụng để uốn các cành cứng và loại cây có tán dày.

cây bị gió lùa nhiều năm
Tạo hình bonsai thế bạt phong bị gió lùa nhiều năm

3. Gió thổi nhẹ

Khi uốn nắn tạo dáng cây này chỉ nên bẻ các cành nhánh sang một bên và hướng xuống đất, vì sức gió không đủ để cuốn các cành tốc lên trời.

bonsai gió lùa nhẹ
Uốn nắn bonsai bạt phong – Gió thổi nhẹ

4. Cây bị gió lùa ở biển

Uốn cành sao cho tạo cảm giác các nhánh cây như bị quật bởi gió biển đổi chiều đột ngột, các cành đều bị thổi về một bên nhưng không nhất thiết phải cùng hướng. Có thể có cành nghiêng hẳn song song với mặt đất, trong khi cành khác lại bị gió thổi ngược chiều, tạo ra cảm giác như bị quật ngược lên hoặc chéo về hướng ngược lại. Bạn có thể tham khảo cây linh sam bởi loại cây này rất phù hợp để tạo dáng thế cây bị gió lùa ở biển.

cây bị gió lùa ở biển
Thế bạt phong kiểu bị gió lùa ở biển

5. Cây bị gió lùa ở đỉnh núi

Theo chiều chuyển động của gió, khi gió tạt vào vách núi thì phần sát đỉnh sẽ bị gió thổi hơi chếch lên trên. Vì vậy khi uốn cành cho loại này, ta có thể uốn hơi chếch lên để tạo vẻ đẹp tự nhiên. Một trong những cây phù hợp mà người chơi cây cảnh có thể lựa chọn để tạo thế cây bị gió lùa ở đỉnh núi đó là sam hương núi.

cây bị gió lùa ở đỉnh núi
Cây bị gió lùa ở đỉnh núi có các chi hơi chếch lên trên

6. Cây bị gió lùa ở vách núi

Theo chiều đối lưu của gió, các luồng gió trên cao thổi xuống và gặp vách núi sẽ di chuyển theo hướng vách núi đi xuống. Các cành và nhánh cây gặp luồng gió này cũng sẽ bị hướng xuống.

Bước 3: Cắt tỉa cây bonsai thế bạt phong

Sau khi hoàn thành việc tạo dáng cho bonsai dáng bạt phong, người chơi cây cần thường xuyên cắt tỉa cây cảnh để duy trì hình dáng như mong muốn. Dưới đây là một số nguyên tắc cắt tỉa bonsai bạt phong để bạn dễ dàng tham khảo:

  • Khi cắt tỉa, bạn cần lưu ý về kiểu dáng cây mà bạn đang hướng đến. Cắt tỉa các cành lá theo một hướng cố định để duy trì được hướng gió thổi vào cây. Loại bỏ cành chết, cành mọc yếu, cành mọc sai hướng giúp cây tập trung dinh dưỡng cho các cành khỏe mạnh, phát triển theo đúng hình dáng mong muốn.
bấm tỉa cành lá cho bonsai thế bạt phong
Bấm tỉa cành lá tạo kiểu cho bonsai thế bạt phong
  • Cắt tỉa theo hướng xiên sẽ giúp vết cắt nhanh lành và hạn chế nấm bệnh.
  • Cắt tỉa những cành dài, mọc vượt quá kích thước mong muốn của cây.
  • Bạn có thể cắt tỉa bonsai bất cứ lúc nào nếu cây có cành chết, cành mọc yếu hoặc cành mọc sai hướng để không làm mất dáng thế gió lùa của cây.
cắt tỉa cây bonsai thế bạt phong
Cắt tỉa đúng cách để duy trình bonsai dáng bạt phong

Một số lưu ý khi chăm sóc cây bonsai thế gió lùa

Khi tạo bonsai gió lùa, bạn cần lưu ý chăm sóc định kỳ cho cây. Vì thế cây này cần sử dụng nhiều dây uốn và bẻ cong nên nếu không chăm sóc thường xuyên cây sẽ trở nên yếu ớt và phát triển kém.

  • Tưới nước cho cây bonsai thế bạt phong thường xuyên để cây duy trì trạng thái tươi tốt.
  • Sử dụng phân bón và mật độ bón phân hợp lý, tùy vào loại cây và độ tuổi của nó. Thông thường cách 2-3 tháng sẽ bón phân một lần.
  • Đặt cây ở nơi có ánh sáng tự nhiên đầy đủ để cây thực hiện quá trình trao đổi chất tốt nhất.
  • Thay đất và chậu cho cây khoảng 2-3 năm một lần. Cần chú ý chọn chậu phù hợp với hình dáng của cây và rễ cây để cây có thể đứng vững.
  • Kiểm tra thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh. Các loại sâu bệnh có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và duy trì hình dáng của cây.

Trên đây là toàn bộ kỹ thuật tạo bonsai thế bạt phong và những kiến thức liên quan. Mỗi chi tiết trong việc tạo hình, từ cách uốn cành đến lựa chọn chậu đều thể hiện sự tỉ mỉ và tâm huyết của người nghệ nhân. Hãy bắt đầu hành trình của mình ngay hôm nay, và cảm nhận niềm vui từ từng nhánh cây và chiếc lá biến đổi dưới bàn tay tài hoa của bạn. Chúc bạn luôn thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *